top of page
Search

Hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong việc xây dựng chuỗi sản xuất hàng hoá.

“Mỗi xã, phường một sản phẩm” (tiếng Anh là One commune, one product- viết tắt là OCOP) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm của của Nhật Bản” (tiếng Anh là One village, one product- viết tắt là OVOP), phong trào này được triển khai đầu tiên ở Nhật bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích người dân.


Chương trình OCOP được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm; ngày 22/5/2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 1599/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020”, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình OCOP Quảng Nam), là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng; Sản phẩm của chương trình đa đạng, bao gồm 06 nhóm ngành hàng:….


Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng Hội doanh nhân phía Nam, công ty QNB hợp tác xúc tiên thương mại sản phẩm OCOP Quảng Nam ( ảnh QNB)


1. Kết quả thực hiện Chương trình OCOP từ 2018 đến nay. Qua hơn 03 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP Quảng Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến cuối năm 2020, Quảng Nam có 206 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó: Sản phẩm tiềm năng 5 sao (01 sản phẩm), sản phẩm 4 sao (27 sản phẩm), sản phẩm 3 sao (179 sản phẩm). Sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của nhân dân, sức lan tỏa của Chương trình ngày càng lớn, thể hiện qua việc sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2018: 35 sản phẩm, năm 2019: 107 sản phẩm, năm 2020: 135 sản phẩm). Có 186 chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng (Hợp tác xã: 61, Doanh nghiệp vừa và nhỏ: 28, THT: 09, Cơ sở sản xuất, kinh doanh: 88). Có 50 hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được củng cố, kiện toàn khi tham gia Chương trình OCOP. Có 43 hợp tác xã, doanh nghiệp được phát triển mới. Các chủ thể tham gia Chương trình ngày càng mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất mới, tiên tiến phục vụ sản xuất; chất lượng sản phẩm dần được nâng cao; trong đó, khâu an toàn, vệ sinh thực phẩm được chú trọng; mẫu mã, bao bì, nhãn mác được cải tiến; việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại được quan tâm; công tác củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP được thực hiện, các tổ chức kinh tế do thanh niên điều hành đều gắn với các hoạt động khởi nghiệp; số việc làm được tạo ra nhiều hơn; doanh thu, lợi nhuận bình quân của chủ thể được gia tăng hơn so với trước khi tham gia Chương trình. Mặc dù, tình hình dịch bệnh Covid và thiên tai bão lụt trên địa bàn tỉnh đã gây ra những tổn thất vô cùng lớn mà nhiều năm sau vẫn chưa khắc phục được. Nhưng, Quảng Nam là một trong số các tỉnh sớm tổ chức triển khai tích cực và có hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Đến nay, Quảng Nam là một trong những tỉnh đã chủ động Ban hành cơ chế chính sách cho chương trình; đó là Nghị Quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 13/01/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 524/QĐ-UBND ngày 25/02/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 13/01/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam. Năm 2021 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai chương trình OCOP năm 2021, với 110 sản phẩm đăng ký tham gia và được UBND tỉnh phê duyệt.


Nước mắm thượng hạng Duy Trinh - sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao năm 2020

2. Hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong việc xây dựng chuỗi sản xuất hàng hoá. Sau hơn năm triển khai thực hiện, đến nay chương trình OCOP đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán, nhỏ lẻ sang sản xuất kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn theo các quy định của pháp luật... Chương trình OCOP cũng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chương trình đã tạo động lực, giúp người sản xuất đổi mới tư duy, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng tốt, sản xuất theo đúng các quy định của nhà nước đã được hỗ trợ từ chương trình này không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, giúp kinh tế nông thôn từng bước phát triển. Từ việc đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương đã dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến, hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh những hiệu quả và sự lan tỏa, việc triển khai chương trình OCOP cũng đã huy động các nguồn lực phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, sắp xếp, chuyển đổi mô hình quản lý, đầu tư phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm của OCOP. Có thể nói Chương trình OCOP giúp nâng giá trị, đa dạng hơn các loại hàng hoá nông sản, dịch vụ ở nông thôn; phát triển Chương trình OCOP sẽ góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hoá của Việt Nam, góp phần to lớn vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Hàng Việt Nam”. 3. Một số định hướng, giải pháp nhằm tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian đến. Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa, với nhiều hình thức và nhiều kênh thông tin để mọi người, mọi nhà đều hiểu và hiểu đúng về Chương trình OCOP. Đưa OCOP vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của cấp ủy Đảng các cấp. Việc tuyên truyền cần chú trọng đến việc chia sẻ kinh nghiệm về những mô hình hiệu quả, cách làm hay, những chủ thể tiêu biểu, sáng tạo. Khuyến khích người dân sáng tạo trong sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Chú trọng hỗ trợ nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, bao bì sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP.

Thứ hai, Quảng Nam đã kịp thời ban Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 (mỗi năm ngân sách tỉnh sẽ bố trí tối thiểu 10 tỉ để thực hiện Chương trình; riêng năm 2021 đã có 10 tỷ đồng được phân bổ cho Chương trình OCOP). Theo đó, giai đoạn này, Chương trình OCOP Quảng Nam sẽ tập trung một nhiệm vụ có tính đột phá, như: (1) Tập trung phát triển sản phẩm theo chuỗi liên kết để tạo ra các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh và các sản phẩm thế mạnh khác, theo hướng đa dạng hóa, chế biến sâu; (2) Coi trọng cả “sản phẩm tốt và bán hàng tốt”, trong đó “sản phẩm tốt” là quan trọng, “bán hàng tốt” là quyết định; (3) Củng cố hệ thống tổ chức tham mưu, thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở. Ở tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn là cơ quan tham mưu trực tiếp Chương trình theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp hóa. Ở cấp huyện, cần bố trí nhân lực cho OCOP, cần có cán bộ chuyên trách cho OCOP, thực tiễn cho thấy cán bộ OCOP cấp huyện có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Ở cấp xã, cán bộ nông nghiệp/cán bộ kinh tế xã là cán bộ OCOP; nghiên cứu để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền có chế độ phụ cấp đối với người làm công tác này ở cấp cơ sở; (4) Triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, trong đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ những nội dung giúp chủ thể nâng cao năng lực, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cấp, phát triển hoàn thiện sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Ưu tiên phát triển sản phẩm theo chiều sâu, không chạy theo số lượng. Ưu tiên hỗ trợ các chủ thể là HTX và các Doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ ba, phát huy tốt hơn nữa hoạt động của UBMTQ Việt Nam, hội, đoàn thể các cấp trong việc phối hợp thông tin, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về Chương trình OCOP, tạo được niềm tin của chủ thể đối với Chương trình và niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP.

Thứ tư, giai đoạn 2021-2025, bên cạnh chú trọng hỗ trợ phát triển sản phẩm hướng đến chất lượng cao hơn, an toàn hơn, tỉnh sẽ quan tâm, chú trọng và dành nguồn kinh phí thỏa đáng để triển khai các nội dung liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được công nhận, xây dựng thương hiệu OCOP; đây là yếu tố quyết định sự thành bại của Chương trình OCOP. Tỉnh sẽ tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các sự kiện văn hóa, hoạt động du lịch do Trung ương, địa phương, các đơn vị có liên quan tổ chức. Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn đối tác OCOP để kết nối cung cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thương mại điện tử trong việc tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hàng hóa.


Tác giả: Võ Hưng

Nguồn tin: Chi cục PTNT Quảng Nam

98 views0 comments
bottom of page