top of page
Search
nuocmamduytrinh

Nỗi lòng người làm nước mắm quê hương

Updated: Sep 22, 2021


Nghề sản xuất nước mắm truyền thống ở xã Duy Hải đã tồn tại từ lâu đời nay. Nhưng thời gian gần đây, với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm nước mắm công nghiệp với mẫu mã, nhãn mác phong phú; nước mắm truyền thống đang dần mất vị thế trên thị trường phải đối mặt với nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng và vẫn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Xã Duy Hải hiện có 5 cơ sở chế biến nước mắm theo cách thủ công truyền thống. Nếu như trước đây nghề này giúp người dân địa phương trở nên khấm khá, tạo được việc làm cho nhiều lao động thì vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của hàng loạt sản phẩm nước mắm đóng chai có thương hiệu trên thị trường đã làm giảm đáng kể lượng mắm tiêu thụ của địa phương. Bà Trương Thị Liên, chủ cơ sở nước mắm Sỹ Liên, ở thôn An Lương, xã Duy Hải cho hay, trước đây việc sản xuất và tiêu thụ mắm của gia đình bà có nhiều thuận lợi, sản phẩm nước mắm của gia đình tiêu thụ mạnh và xuất bán được nhiều nơi; mỗi ngày tiêu thụ hàng ngàn lít, còn hiện nay chỉ bán được vài trăm lít, kiếm lãi vài trăm ngàn đồng. Hiện sản phẩm của cơ sở Sỹ Liên này cũng chỉ tiêu thụ ở một số thị trường quen như Đại Lộc, Đà Nẵng do tư thương đến lấy và đi bán dạo. Chồng bà Liên, ông Ngô Đình Nhược cũng đã phải bỏ nhà, bỏ nghề đi làm thợ hồ để trang trải kinh tế gia đình, chỉ còn bà Liên ở nhà cố giữ nghề truyền thống. Bà Trương Thị Liên chia sẻ: “ thị trường cũng ra nhiều loại mắm lắm, có cả hàng trăm loại mắm, tui đi bỏ hàng tui biết, hàng trăm loại cạnh tranh với nhau. Ở quê mình chỉ làm truyền thống thôi, mình không cạnh tranh nổi, nhưng họ ăn quen với chất lượng nước mắm mình nên họ vẫn ăn nước mắm mình thôi, so với mấy năm thì thua sút hơn rất nhiều”.

Hơn 40 năm chuyên nghề chế biến nước mắm, ông Phạm Duy Trinh, chủ cơ sở nước mắm Duy Trinh ở thôn An Lương, xã Duy Hải cũng gặp cảnh tương tự. Lúc thị trường nước mắm chưa có sự cạnh tranh như bây giờ thì mỗi năm cơ sở của ông Phạm Duy Trinh muối được vài chục tấn cá, còn bây giờ chỉ được 1/3 so với trước. Ông Trinh thừa nhận, sở dĩ nghề nước mắm ở địa phương gặp khó khăn là do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp vì giá cả không thể cạnh tranh với các sản phẩm nước mắm có thương hiệu, được quảng bá rộng rãi trên thị trường hiện nay. Mặc dù hiện nay mỗi tháng gia đình ông không thu lời từ nghề này bao nhiêu, nhưng cái nghiệp đeo đuổi khiến ông không dứt bỏ. Ông cũng quyết không làm giảm chất lượng mắm để giữ nghề truyền thống. “Mình hồi xưa tới giờ truyền thống rồi, ai thích thì họ xài, không thích thì thôi. Chừ mình đổi qua làm như nước mắm công nghiệp vẫn được nhưng mà mất đi cái truyền thống vốn có, ở nhà tui cũng có tài liệu chế biến nước mắm công nghiệp nhưng tui không làm”. -Ông Phạm Duy Trinh nói.

Những năm gần đây, sản phẩm nước mắm Sỹ Liên, Duy Trinh hay thương hiệu như Bảy Tân, Cửa Đại của xã Duy Hải cũng tham gia nhiều hội chợ do huyện và tỉnh tổ chức để quảng bá sản phẩm của mình, nhưng đến nay hầu hết các thương hiệu sản phẩm này cũng không vươn rộng ra thị trường được. Chủ yếu là để phục vụ bán hàng làm quà tặng, còn phần lớn là phải chuyển sang đựng trong canh nhựa rồi thông qua tư thương lấy đi bán, vì để tư thương dễ phân nhỏ ra bán lại và dễ kiếm lời hơn.

Nước mắm truyền thống thơm ngon, giữ được nguyên chất nhưng người tiêu dùng ít sử dụng, ngược lại sản phẩm nước mắm công nghiệp đã pha các chất phụ gia như hương liệu, chất tạo màu, chất bảo quản lại được nhiều người lựa chọn, bởi họ cho rằng sản phẩm nước mắm truyền thống co giá quá cao. Đây cũng là vấn đề trăn trở của địa phương. Ông Võ Quốc Hai – Trưởng ban nông nghiệp xã Duy Hải cho biế: “ là nghề truyền thống nhưng không thể cạnh tranh với các sản phẩm khác bên ngoài. Bởi vì họ lấy sản phẩm của mình về chế biến lại nhưng lại tiêu thụ tốt hơn. Địa phương đề nghị các cấp các ngành chức năng của nhà nước quan tâm tạo điều kiện giúp địa phương phát triển làng nghề nước mắm An Lương” .

Để xây dựng thương hiệu và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm nước mắm truyền thống, thiết nghĩ ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất thủ công truyền thống nói chung ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, chủng loại sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh. Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ về vốn vay giúp các hộ, các cơ sở sản xuất mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ./.

15 views0 comments

Comentarios


bottom of page